Mùa nào thức nấy - Ẩm thực Hà Nội theo mùa: Mùa xuân
4/9/24, 5:00 AM
Mỗi mùa, Hà Nội lại mang đến cho thực khách một nỗi nhớ nhung riêng, đặc biệt là với ẩm thực. Với mùa xuân, khi đất trời giao hòa, trong tiết trời se lạnh của mùa lễ Tết, ẩm thực Hà Nội cũng khoác lên mình chiếc áo mới với những món ăn truyền thống đầy tinh tuý.

(Ảnh: Duong Thinh).
Bánh chưng
Bánh chưng đứng đầu danh sách ẩm thực mùa xuân. Đây là một món ăn truyền thống của Việt Nam xuất diện mỗi dịp xuân về, gắn liền với Tết cổ truyền của dân tộc.
Bánh có hình vuông, tượng trưng cho đất, được gói bằng lá dong, bên trong là nếp dẻo thơm, đậu xanh bùi bùi, thịt lợn béo ngậy. Cách làm bánh chưng khá cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Trước khi gói, gạo nếp phải được ngâm, sau đó rửa thật sạch, nêm vài hạt muối cho tăng hương vị. Đậu xanh ngâm tãi vỏ, để ráo nước rồi sau đó cho vào nồi đồ
chín, khi đậu đã chín mềm thì mang ra giã nhuyễn, nêm gia vị. Thịt gói bánh là thịt ba chỉ, cũng được nêm gia vị đậm đà. Bánh phải được luộc trong 10 - 12 tiếng với lửa nhỏ liu riu cho đến khi chín mềm.
Không chỉ là món ăn ngon, bánh chưng còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Bánh là biểu tượng cho sự biết ơn trời đất, lòng hiếu thảo, sự sum vầy và đoàn viên của gia đình.

Những miếng bánh chưng mềm dẻo, béo ngậy là thứ kh ông thể thiếu trên mâm cỗ cúng gia tiên và bàn ăn mỗi gia đình Việt Nam trong dịp Tết đến xuân về (Ảnh: delightfulplate.com).
2. Bánh dày
Cùng với bánh chưng, bánh dày cũng thường được làm vào dịp Tết cổ truyền. Bánh có hình tròn, tượng trưng cho trời, được làm từ gạo nếp dẻo thơm được giã nhuyễn. Cách làm bánh dày không quá phức tạp. Gạo nếp được vo sạch, ngâm trong nước, sau đó được đồ chín thành xôi và giã nhuyễn bằng cối khi xôi vẫn còn nóng. Bánh dày thường được ăn kèm với giò chả, bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành...
Bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dày tượng trưng cho trời, thể hiện sự hài hòa giữa âm dương, lòng biết ơn trời đất và mong ước về một năm mới an khang, thịnh vượng.

Bánh dày kẹp giò, một món ăn nhẹ đưa miệng của ẩm thực Hà thành (Ảnh: RunAwayRice).
3. Thịt đông
Thịt đông là món ăn truyền thống độc đáo của miền Bắc Việt Nam, thường được thưởng thức vào mùa đông hoặc lúc xuân sang. Đây là món nguội, được làm từ thịt chân giò, bì lợn xào cùng mộc nhĩ (nấm mèo), hạt tiêu sau đó hầm nhừ. Nhờ phần collagen ở bì lợn tiết ra mà khi để một thời gian, phần thịt xào sẽ đông lại như rau câu.
Thịt đông thường được ăn với cơm nóng, bánh chưng và dưa hành muối chua.

Món ăn độc đáo của ẩm thực Hà thành. Ảnh: Kenh14.vn
4. Bún thang
Không chỉ là một món ăn ngon, bún thang còn là biểu tượng của văn hóa ẩm thực Hà Nội. Món ăn này thể hiện sự tinh tế, tao nhã của người Hà Thành bởi sự thanh tao, tinh tế và cầu kỳ trong cách chế biến. Nguồn gốc bún thang còn nhiều tranh cãi, nhưng theo nhiều người, món ăn này xuất hiện từ thế kỷ 19, gắn liền với tầng lớp quý tộc Hà Thành.
Bún thang có hương vị thanh tao, là sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu. Làm bún thang là một quá trình cầu kỳ, từ phần chuẩn bị đến nấu. Ước tính phải cần đến 20 nguyên liệu mới đủ để làm bún thang: nước dùng được ninh từ xương gà, tôm he, nấm hương, tạo vị ngọt thanh; bún rối trắng mịn, mềm dai; trứng gà rán thái chỉ; giò lụa thái mỏng; thịt gà luộc xé phay; tôm he bóc vỏ, tẩm ướp gia vị; rau thơm như húng láng, tía tô, hành lá, củ cải muối thái sợi;...

Bún thang - đặc sản của Hà Nội, được mệnh danh là "nữ hoàng" của các món bún (Ảnh: delightfulplate.com).
5. Nem rán
Nem rán (hay còn gọi là chả giò, chả ram, chả đa nem) là một món ăn phổ biến và vô cùng hấp dẫn của Việt Nam. Nem truyền thống thường có nguyên liệu chính là thịt lợn, miến, trứng gà, mộc nhĩ (nấm mèo),... và một số gia vị thông dụng của ẩm thực Việt như hành lá, tiêu, nước mắm, được cuốn bằng bánh tráng và chiên ngập dầu. Nem thường được ăn kèm với nước mắm pha, đồ chua và rau xà lách, các loại rau thơm như húng quế, húng cây, diếp cá,...
Nem rán khi ăn có cảm giác giòn tan của vỏ bánh tráng, vị ngọt béo của thịt băm và trứng, dai dai của mộc nhĩ và miến, quyện cùng gia vị đậm đà. Nem rán cũng thường được dọn kèm bún chả Hà Nội. Món ăn này thường được làm trong các dịp lễ Tết, cỗ bàn hoặc trong bữa cơm gia đình.

Nem rán giòn rụm, được yêu thích bởi mọi lứa tuổi (Ảnh: delightfulplate.com).
6. Canh bóng thả
Canh bóng thả là một món ăn đặc sản của Hà Nội, thường được thưởng thức vào dịp Tết Nguyên Đán. Món ăn này được làm từ bóng bì lợn, thịt nạc vai, giò lụa, kết hợp với các loại rau như cà rốt, su hào, nấm… và để canh ngọt ngon hơn thì có thể thêm sườn heo hay tôm khô vào.
Bóng bì lợn phải trải qua rất nhiều bước sơ chế tỉ mỉ mới có thể dùng để nấu canh. Da lợn được cạo hết lông bằng nước sôi, sau là lọc hết mỡ còn sót dưới bì. Để khử mùi hôi trên bì lợn và miếng bóng trắng hơn, người làm sẽ bóp bì cùng gừng đập dập giã nhỏ vào rượu trắng. Công đoạn cuối cùng là phơi bì lợn ngoài nắng cho khô, sau đó đem nướng để miếng bì nở phồng lên.
Canh bóng thả là sự kết hợp hài hòa giữa vị ngọt của nước dùng, các loại rau củ và tôm khô, cùng cảm giác dai dai của bóng bì lợn.

Món canh bóng thả thơm ngon trên mâm cỗ Tết người Hà Nội (Ảnh: cookpad.com).
7. Giò, chả
Giò chả là món ăn tiếp theo không thể thiếu trong dịp lễ Tết của người Việt, thường được làm từ thịt nạc thăn lợn, giã nhuyễn, nêm nếm gia vị rồi gói trong lá chuối và luộc chín. Giò chả có vị ngọt, mùi thơm, độ dai giòn đặc trưng. Giò chả có nhiều loại, phổ biến nhất là giò lụa, chả quế, chả bì,...

Những miếng giò chả dai mềm có thể được thưởng thức cùng bún, cơm, bánh mì hoặc bánh chưng (Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam).
8. Bánh trôi, bánh chay
Bánh trôi, bánh chay là hai món bánh cổ truyền của Việt Nam, thường được làm vào dịp Tết Hàn thực (mùng 3 tháng 3 âm lịch), thể hiện lòng thành kính, biết ơn tổ tiên của người Việt.
Bánh trôi được làm từ bột nếp nặn thành viên tròn, bên trong có nhân đường phên cắt thành những viên vuông nhỏ. Bánh chay làm từ bột nếp và bột gạo nếp nặn thành hình tròn dẹt, bên trong có nhân đậu xanh. Cả hai loại bánh đều được luộc trong nước sôi cho đến khi bánh chín và nổi lên. Khi thưởng thức, bánh trôi sẽ được rắc vừng, thêm dừa nạo, trong khi đó bánh chay sẽ ăn cùng nước đường hoặc bột sắn dây nấu chín.

Bánh trôi nhân đường phên ngọt ngào (Ảnh: Heritage Magazine).

Bánh chay nhân đậu xanh thanh đạm (Ảnh: Heritage Magazine).
ai đưa tui đi vui
uầy trông ngon thế